Theo Wall Street Journal, Người dùng tại thị trường Châu Á, đặc biệt là Việt Nam, Indo, Ấn Độ đang dần ưa chuộng các sản phẩm Xiaomi, Oppo, Vivo hơn và không mấy mặn mà với Apple được thể hiện qua mức doanh số tăng đột biến.
Chiến lược thiết lập tiêu chuẩn giá mới cho iPhone X mà Apple đưa ra đã ảnh hưởng không nhỏ tới doanh thu của hãng. Hơn nữa, người dùng cũng tỏ ra e ngại khi bỏ một khoản tiền lớn để sở hữu một chiếc iPhone X. Thay vào đó, họ lựa chọn các sản phẩm có giá thành thấp hơn như Xiaomi, Oppo hay Vivo.
Theo thông tin do Wall Street Journal đăng tải, hiện người dùng tại Ấn Độ và Indonesia đang có xu hướng lựa chọn smartphone đến từ Trung Quốc như Xiaomi, Oppo thay vì Apple như trước đây.
Và các hãng điện thoại đến từ Trung Quốc cũng ngày càng phát triển các sản phẩm của mình nhằm cạnh tranh với điện thoại thông minh của Apple. Các sản phẩm đến từ Trung Quốc không chỉ có thiết kế đẹp, cấu hình ấn tượng mà giá cả lại rất phải chăng. Đây cũng là một lợi thế của điện thoại Trung Quốc khi cạnh tranh với Apple.
Một trong những lý do quan trọng là các máy này có chất lượng hoàn thiện cao, có nhiều tính năng giống hay hơn iPhone trong khi giá chỉ bằng 1/3, thậm chí bằng 1/5. Bên cạnh đó, Xiaomi, Oppo còn rất khéo léo trong việc đưa ra những thứ tùy biến riêng cho từng thị trường, ví dụ như Xiaomi làm cục sạc cho nguồn điện thiếu ổn định của Ấn Độ hay Oppo dùng các người nổi tiếng địa phương cho quảng cáo.
Các hãng này thực hiện chiến lược của mình như sau: họ loại bỏ những model đắt tiền dùng để cạnh tranh với smartphone của Apple, thay vào đó là những chiếc máy giá rẻ hơn nhưng vẫn sở hữu các tính năng cao cấp. Những sản phẩm này có giá thấp hơn nhiều so với iPhone X, thậm chí rẻ hơn cả iPhone cũ, và thường đánh vào nhóm khách hàng tiềm năng của chính Apple bằng cách đưa cho họ một thiết bị với tính năng tương đương nhưng rẻ hơn đáng kể. Vỏ kim loại, pin trâu hơn, đặc biệt là camera selfie, chính là những “vũ khí” được các hãng Trung Quốc sử dụng.
Kiranjeet Kaur, một nhà nghiên cứu của IDC, nhận xét: “Người dùng không phải chi nhiều tiền để sắm điện thoại cao cấp nữa. Các nhà sản xuất Trung Quốc giờ cũng có các chức năng có thể cạnh tranh được với phân khúc cao”.
Riêng tại Trung Quốc, thị phần của Apple giờ đang là 8%, giảm so với con số 13% của năm 2015. Tại Ấn Độ, thị trường smartphone lớn thứ 2 thế giới và cũng lớn hơn cả Mỹ trong năm 2017 – thị phần của Apple chỉ chiếm vỏn vẹn 2% trong vòng 4 năm qua. Tương tự, ở Indonesia cũng giảm từ 3% xuống còn 1%, Philippines và Thái Lan cũng ghi nhận giảm trong khi ở Malaysia và Vietnam thì không thay đổi.
Trong khi đó, đối thủ Xiaomi thì tăng mạnh từ 3% lên thành 19% chỉ trong 2 năm tại Ấn Độ, chủ yếu là nhờ điện thoại giá rẻ. Tuy vậy, Xiaomi cũng đang tăng cường đưa ra nhiều mẫu máy với giá cao hơn để mang đến cho khách hàng ngoại hình, cảm giác sử dụng cũng như chức năng ngang hay thậm chí là hơn cả iPhone. Jai Mani, giám đốc sản phẩm của Xiaomi Ấn Độ, cho hay Xiaomi có lợi thế hơn so với Apple vì họ có thể tùy biến thiết bị cho từng quốc gia, trong khi Apple làm một máy cho cả thế giới.
Ví dụ: nếu như Apple chỉ dừng lại ở việc làm các app và bản đồ cho Ấn Độ thì Xiaomi tạo ra một cục sạc riêng có thể chịu được nguồn điện trời sụt tại quốc gia này. Và ở một đất nước mà người dùng liên tục bị làm phiền bởi SMS quảng cáo thì Xiaomi đã điều chỉnh phần mềm lại một chút để tự động lọc những tin rác này và chỉ chừa lại những tin quan trọng từ bạn bè. Chưa hết, ứng dụng camera của Xiaomi còn được điều chỉnh để không xóa mất chấm đỏ trên trán của các cô gái Ấn Độ hay khuyên xỏ mũi, vốn thường bị thuật toán nhầm lẫn thành các chi tiết xấu trên mặt.
Các thương hiệu Trung Quốc cũng chèn nhiều “hương vị” mang tính địa phương vào các mẫu quảng cáo của họ. Oppo và công ty “chị em” Vivo đang làm ngập Indonesia và India với các tấm biển lớn nói về những tính năng máy họ có mà iPhone không sở hữu. Tại Việt Nam, bạn cũng thấy các hãng này thường sử dụng những người nổi tiếng trong nước để quảng bá cho sản phẩm của mình như một cách đưa thiết bị đến nhiều người dân hơn và tăng mức độ nhận diện.
Wahyu Adi Setyanto, một kĩ sư 36 tuổi người Jakarta, mới đây đã bán iPhone để mua máy Xiaomi. Anh nói nó có màn hình bự và sáng như bao chiếc iPhone, trong khi chỉ tốn có 210$ mà thôi. “Ngoại thất của thiết bị, khi bạn cầm nó trong tay, tạo được cảm giác rất sang trọng. Giống như bạn đang cầm một chiếc iPhone vậy”.