Bị cấm flash ROM quốc tế, smartphone Xiaomi xách tay tại Việt Nam sắp chết: Thực hư ra sao?

Bị cấm flash ROM quốc tế, smartphone Xiaomi xách tay tại Việt Nam sắp chết: Thực hư ra sao?

Gần đây đã có nhiều thông tin cho biết smartphone Xiaomi xách tay Trung Quốc sẽ không thể cài bản ROM quốc tế, gây ra nhiều trở ngại cho người dùng trong quá trình sử dụng. Vậy sự thật ra sao

Xiaomi đang cấm flash ROM quốc tế cho các thiết bị nội địa?

Cài đặt ROM, hay còn có tên dân dã “flash ROM”, là việc chạy phiên bản phần mềm khác cho smartphone. Do các máy Xiaomi xách tay đến từ Trung Quốc bị một số giới hạn về phần mềm khi sử dụng tại Việt Nam như không có Play Store, GPS chập chờn, font chữ không chuẩn… việc flash ROM quốc tế sẽ khắc phục chúng.

Máy Xiaomi chính hãng (trái) được cài đặt sẵn Google Play Store, còn máy xách tay (phải) là kho ứng dụng của Xiaomi dành cho thị trường Trung Quốc

Một vài ngày trở lại đây, đã có nhiều thông tin rộ lên cho rằng Xiaomi sẽ cấm flash ROM quốc tế cho máy nội địa, vô tình “cắt đường sống” của hàng xách tay. Nhưng liệu thông tin này có đúng hay không?

Câu trả lời là: vừa đúng vừa sai.

Đúng ở chỗ: Xiaomi có ngăn cấm việc flash ROM quốc tế vào máy nội địa – nhưng chuyện đó đã và đang xảy ra trong suốt hơn 1 năm vừa qua, và thông tin lần này là hoàn toàn không hề mới. Một số model đầu tiên bị ảnh hưởng bởi chính sách này có thể nói đến Redmi 5A, Redmi 5 hay Redmi 5 Plus, vốn đã ra mắt từ lâu. Nếu như người dùng cố sử dụng công cụ Mi Flash để flash ROM cho máy Xiaomi nội địa chưa unlock bootloader, máy sẽ không cho flash ROM.

Sai ở chỗ: Một khi máy đã unlock bootloader, người dùng có thể thoải mái flash bất kỳ bản ROM nào mà mình thích, bao gồm cả bản ROM quốc tế. Đây cũng là cách mà các cửa hàng kinh doanh smartphone Xiaomi xách tay vẫn làm để flash ROM cho khách hàng. Trừ khi Xiaomi cấm hoàn toàn việc unlock bootloader, máy xách tay sẽ còn có thể flash ROM quốc tế.

Nói tóm gọn lại: Máy Xiaomi xách tay Trung Quốc vẫn có thể flash ROM quốc tế, với điều kiện máy đã unlock bootloader.

Unlock bootloader vẫn là yếu tố then chốt

Mặc dù vậy, để có thể unlock bootloader máy Xiaomi, người dùng sẽ phải chờ đợi được cấp phép. Thời gian này dần được Xiaomi tăng lên qua thời gian, trước đây là không cần chờ đợi, sau đó nâng lên 3 ngày, 15 ngày và nay là khoảng từ 1 cho đến 2 tháng. Theo chúng tôi, khoảng thời gian chờ đợi này sẽ là yếu tố quyết định đến việc hàng xách tay có thực sự “chết” hay không. Đối với một số người thì 1 tháng là chấp nhận được, nhưng đối với một số người khác thì đó lại là sự phiền toái không thể chấp nhận.

Bị cấm flash ROM quốc tế, smartphone Xiaomi xách tay tại Việt Nam sắp chết: Thực hư ra sao? - Ảnh 2.

Thời gian chờ đợi unlock bootloader có thể lên tới 2 tháng

Dù sao, cũng có thể thấy rằng số phận của hàng xách tay đang nằm trong tay của Xiaomi, hay nói một cách khác, Xiaomi đang nắm thế chủ động. Với việc máy chính hãng có mức giá ngày càng cạnh tranh, chế độ hậu mãi bảo đảm và đương nhiên là cả phần mềm được tối ưu hóa cho thị trường quốc tế, ngày một nhiều người đang lựa chọn hàng chính hãng thay vì xách tay. Nay, nếu như Xiaomi muốn triệt tiêu hoàn toàn hàng xách tay, hãng chỉ cần tăng thời gian unlock bootloader lên lâu hơn (6 hay 12 tháng chẳng hạn), hoặc cấm hoàn toàn việc unlock bootloader. Lúc này, hàng xách tay sẽ thật sự chết.

Đây là một viễn cảnh hoàn toàn có thể sự thật. Huawei là một hãng smartphone từng cho phép người dùng tự do unlock bootloader, nhưng cách đây vài tháng đã thay đổi chính sách và cấm hoàn toàn việc đó. Nhiều hãng smartphone khác, đặc biệt là các sản phẩm dành cho thị trường Mỹ, cũng bị khóa bootloader mà không có giải pháp để mở. Liệu Xiaomi có đi theo chiều hướng nay không? Hãy để thời gian trả lời.

← Bài trước Bài sau →
icon

Giao hàng nhanh chóng.

Nội thành 60 phút

icon

Chính sách bảo hành

Đến 12 tháng, đổi mới 7 ngày.

icon

Hỗ trợ 24/7

Với các kênh chat, email & phone